Nguyên nhân Thảm sát Batavia năm 1740

Adriaan Valckenier ra lệnh thảm sát người Hoa

Trong công cuộc thuộc địa hóa khu vực Đông Ấn (nay là Indonesia) của người Hà Lan, nhiều người Hoa lành nghề đã được thuê làm thợ xây dựng thành phố Batavia; phía tây bắc đảo Java;[1] ngoài ra nhiều người trong số họ còn làm thương nhân, người bán hàng và công nhân nhà máy mía đường.[2] Sự bùng nổ kinh tế, kết quả từ việc thúc đẩy thương mại giữa Đông Ấn và Trung Quốc thông qua cảng Batavia đã khiến lượng người nhập cư từ Trung Quốc đến Java tăng lên nhanh chóng. Tại Batavia, số lượng người Hoa tại đây đã lên đến 10.000 người vào năm 1740, chưa kể đến việc có hàng nghìn người khác sống tại các khu vực ngoại thành.[3] Người Hà Lan yêu cầu họ phải mang giấy đăng ký theo bên người, và trục xuất những người không tuân thủ quay trở về Trung Quốc.[4]

Chính sách trục xuất đã được thắt chặt trong thập niên 1730, sau khi một trận dịch sốt rét khiến hàng nghìn người bỏ mạng, trong đó có Toàn quyền Đông Ấn Hà Lan, Dirck van Cloon.[4][5] Theo nhà sử học người Indonesia Benny G. Setiono, tiếp theo trận dịch đó là sự gia tăng nỗi nghi ngờ và lòng oán hận của người bản địa và người Hà Lan đối với nhóm sắc dân người Hoa, cộng đồng ngày càng tăng về số lượng và ngày càng giàu có.[5] Như một kết quả, Ủy viên Nội vụ Bản địa Roy Ferdinand, theo lệnh của Toàn quyền Adriaan Valckenier, đã ra sắc lệnh vào ngày 25 tháng 7 năm 1740 rằng những người Hoa đáng nghi sẽ bị trục xuất đến Zeylan (nay là Sri Lanka), và buộc phải thu hoạch quế.[5][6][7][8] Nhiều thương gia người Hoa giàu có đã bị nhiều quan chức Hà Lan tham nhũng tống tiền và phải hối lộ để tránh bị trục xuất;[5][9][10] Stamford Raffles, một nhà thám hiểm và sử gia người Anh đã ghi chép rằng theo một số tư liệu của người Java, những người Hà Lan đã ra lệnh cho thủ lĩnh của người Hoa (người được người Hà Lan chỉ định làm người đứng đầu và đại diện cho người Hoa) tại Batavia là Liên Phú Quang (連富光, Ni Hoe Kong) trục xuất những người mặc đồ đen hoặc lam vì cho rằng những người này đều là người nghèo. Cũng có tin đồn rằng, những người này không bị trục xuất đến đích đến mà bị vứt xuống biển sau khi vừa rời khỏi Java,[3][9] và theo vài thông tin khác, một số đã chết khi xảy ra đụng độ trên tàu. Việc trục xuất những người này gây ra lo ngại cho những người còn ở lại, dẫn đến sự bỏ việc của nhiều công nhân Trung Quốc.[3][9]

Đồng thời, những người bản địa tại Batavia, bao gồm cả những nhân công người Betawi cũng đã dần mất lòng tin vào người Hoa. Yếu tố kinh tế đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này: hầu hết người dân địa phương đều là người nghèo, và nhận thấy người Hoa đang ngụ cư ở những khu vực giàu có nhất trong thành phố.[11][12] Dù nhà sử học người Hà Lan A.N. Paasman đã gọi người Hoa thời bấy giờ là "Người Do Thái của châu Á",[7] nhưng trên thực tế, tình hình còn phức tạp hơn thế nhiều. Có rất nhiều người Hoa nghèo là những công nhân nhà máy đường sống quanh Batavia, những người cảm thấy rằng họ bị bóc lột ngang nhau bởi cả những ông chủ người Hà Lan lẫn người Hoa. Nhiều người Hoa giàu sang có nhà máy riêng còn lấn sang cả ngành nông nghiệp và thương thuyền, thu nhập chủ yếu dựa vào nhà máy và việc chưng cất arrack, một loại thức uống có cồn làm từ mậtgạo.[13][14] Tuy nhiên, những người Hà Lan đứng đầu đã cho định lại giá mía đường, mà chính điều này là thủ phạm chính gây nên bất ổn.[15] Vì sự suy giảm nghiêm trọng của giá đường trên toàn thế giới bắt đầu trong thập niên 1720 có căn nguyên từ xuất khẩu sang châu Âu tăng lên và cạnh tranh từ phía Tây Ấn,[16][17] do đó ngành công nghiệp đường ở Đông Ấn đã phải chịu thiệt hại đáng kể. Năm 1740, giá đường trên toàn thế giới đã giảm xuống chỉ còn một nửa giá năm 1720. Vì đường là nguồn xuất khẩu chính nên điều này đã gây nên những khó khăn tài chính nhất định cho thuộc địa này.[18]

Ban đầu, một số thành viên của Hội đồng vùng Ấn (Raad van Indië) tin rằng người Trung Quốc (chỉ nhà Thanh) không bao giờ có thể tấn công Batavia, và đã đưa ra các biện pháp để kiểm soát người Hoa. Tuy nhiên điều này đã bị phe đối lập của Valckenier, do cựu Toàn quyền Zeylan Gustaaf Willem van Imhoff, người đã đến Batavia năm 1738, phản đối.[19][20][21] Một lượng lớn người Hoa đến định cư tại ngoại ô Batavia từ các thành phố gần đó. Tuy nhiên, vào ngày 26 tháng 9, Valckenier đã triệu tập một cuộc họp Hội đồng khẩn cấp, trong thời gian đó ông đã ra lệnh dùng vũ lực đáp trả lại bất kỳ cuộc nổi dậy của người Hoa.[5] Chính sách này tiếp tục để bị phe van Imhoff phản đối. Tác giả Vermeulen (1938),[lower-alpha 1] cho rằng những căng thẳng giữa 2 phe phái đóng một vai trò nhất định trong các vụ thảm sát tiếp theo.[6]

Vào buổi tối ngày 1 tháng 10, Valckenier nhận được báo cáo rằng có một đám đông người Hoa tụ tập biểu tình bên ngoài cổng thành, do bức xúc với các điều khoản được đề ra trong cuộc họp Hội đồng khẩn cấp năm ngày trước đó. Valckenier vẫn nghi ngờ về tính xác thực của báo cáo này. Tuy nhiên, sau khi một trung sĩ người Bali bị người Hoa giết hại ngay bên ngoài thành, hội đồng đã quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt và tăng cường các đội quân bảo vệ.[6][22] Hai nhóm gồm 50 người Âu và một số người khuân vác bản địa đã được điều đến tiền đồn ở phía nam và phía đông thành phố, và kế hoạch cho tấn công đã sẵn sàng.[6][22]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thảm sát Batavia năm 1740 http://www.britannica.com/EBchecked/topic/283434/G... http://books.google.com/?id=FrFGAAAAMAAJ http://books.google.com/?id=Q78JAAAAMAAJ http://books.google.com/books/about/The_history_of... http://books.google.com/books?id=CH0p3zHladEC http://books.google.com/books?id=Th2LQXthyrsC&pg=P... http://books.google.co.id/books?id=0GrWCmZoEBMC http://books.google.co.id/books?id=0gOMTC8I7s4C http://books.google.co.id/books?id=0q_r9aYSF_MC http://books.google.co.id/books?id=YNBmIu5m6hAC